Hướng dẫn lập hợp đồng uỷ quyền làm thủ tục nhà đất

Pháp luật quy định như thế nào về hợp đồng uỷ quyền làm thủ tục nhà đất? Có được phép uỷ quyền cho người khác làm thực hiện? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề này.

Uỷ quyền làm thủ tục đất đai là một trong những giao dịch xảy ra rất phổ biến hiện nay. Nhằm đảm bảo tính nhanh chóng, thuận tiện và hợp pháp, pháp luật cho phép người có nhu cầu được thực hiện việc uỷ quyền cho một người khác để thay họ tham gia thực hiện một hoặc nhiều công việc liên quan đến thủ tục nhà đất. Nội dung bài viết dưới đây sẽ phân tích rõ hơn quy định pháp luật về việc lập hợp đồng uỷ quyền cũng như các thủ tục liên quan.

1. Hợp đồng uỷ quyền làm thủ tục nhà đất là gì?

  • Hợp đồng uỷ quyền được định nghĩa tại Điều 562 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015) như sau: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
  • Từ định nghĩa trên có thể hiểu, hợp đồng uỷ quyền làm thủ tục liên quan đến đất đai cũng là một dạng của hợp đồng dân sự được giao kết dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện một hoặc nhiều công việc nhân danh, thay mặt bên uỷ quyền để tham gia thực hiện các thủ tục về đất đai.
  • Các thủ tục nhà đất hiện nay rất đa dạng chủ yếu liên quan đến việc thực hiện quyền sử dụng nhà đất của người sử dụng như mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thủ tục sang tên sổ đỏ,… Các bên xác lập hợp đồng uỷ quyền cần lưu ý về phạm vi uỷ quyền theo quy định tại Điều 141 BLDS 2015 như sau:
  • Bên được uỷ quyền (hay còn gọi là bên đại diện) để làm các thủ tục nhà đất chỉ được thực hiện các công việc theo nội dung uỷ quyền mà các bên đã giao kết trong hợp đồng;
  • Cá nhân hoặc pháp nhân không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính bản thân mình hoặc bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Điều kiện để được phép uỷ quyền

Bên uỷ quyền được phép uỷ quyền cho người khác thay mình thực hiện các thủ tục liên quan đến nhà đất thì phải đáp ứng các điều kiện nhất định theo quy định pháp luật tại Điều 117 BLDS 2015 cụ thể:

  • Người uỷ quyền phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. Theo đó, người có năng lực hành vi dân sự là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không bị mất, hạn chế năng lực hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
  • Hai bên giao kết hợp đồng uỷ quyền phải hoàn toàn tự nguyện mà không bị đe dọa, cưỡng ép hay bắt buộc;
  • Mục đích và nội dung của hợp đồng uỷ quyền làm thủ tục nhà đất không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.
  • Ngoài ra, khi uỷ quyền để thực hiện các thủ tục liên quan đến nhà đất, bên muốn uỷ quyền còn phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận nhà ở và tài sản gắn liền với đất mà do mình đứng tên sở hữu được ghi nhận trên giấy;
  • Về hình thức hợp đồng uỷ quyền làm thủ tục nhà đất phải được công chứng tại cơ quan có thẩm quyền nơi có nhà đất.

3. Nội dung hợp đồng uỷ quyền làm thủ tục nhà đất

  Pháp luật không quy định cụ thể về nội dung cần có của một hợp đồng uỷ quyền, tuy nhiên dựa trên các quy định chung về nội dung hợp đồng cũng như các điều khoản liên quan đến hợp đồng uỷ quyền tại Điều 398 và Điều 562 BLDS 2015 thì có các nội dung cơ bản sau:

  • Bên uỷ quyền thực hiện thủ tục nhà đất và bên được uỷ quyền để thực hiện thủ tục có thể thoả thuận các điều khoản cơ bản sau trong hợp đồng uỷ quyền:
  • Thông tin về các chủ thể giao kết hợp đồng;
  • Phạm vi uỷ quyền mà bên được uỷ quyền được phép thực hiện;
  • Nội dung công việc uỷ quyền cụ thể;
  • Quyền và nghĩa vụ của bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền;
  • Thời hạn thực hiện công việc;
  • Trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ của mỗi bên;
  • Điều khoản về chấm dứt hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền;
  • Thù lao hoặc các khoản bồi thường thiệt hại (nếu có).

4. Thủ tục uỷ quyền làm thủ tục nhà đất

  • Dựa theo quy định tại Điều 40. Điều 41 Luật Công chứng 2014 và Luật Đất đai 2013, hai bên thực hiện uỷ quyền để làm thủ tục nhà đất cần phải làm theo trình tự các bước sau.

4.1 Hồ sơ cần chuẩn bị

  • Bên có nhu cầu uỷ quyền cho người khác để thực hiện thủ tục nhà đất cho mình thì hai bên phải cùng đến Văn phòng công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã nơi có nhà đất cần làm thủ tục để thực hiện việc công chứng hợp đồng uỷ quyền. Người yêu cầu công chứng phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau:
  • Phiếu yêu cầu công chứng;
  • Bản gốc hợp đồng uỷ quyền để thực hiện thủ tục nhà đất;
  • Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
  • Bản sao giấy tờ tùy thân của người uỷ quyền và người được uỷ quyền như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc sổ hộ khẩu;
  • Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến thủ tục nhà đất mà pháp luật quy định phải có.

4.2 Trình tự thực hiện

  • Bước 1: Người yêu cầu công chứng nộp hồ sơ đã chuẩn bị với đầy đủ các giấy tờ nêu trên tại phòng tiếp nhận hồ sơ của văn phòng công chứng nơi có nhà đất.
  • Bước 2: Công chứng viên sẽ tiến hành việc kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu và các điều kiện về công chứng. Nếu hồ sơ đầy đủ và phù hợp với quy định của pháp luật thì sẽ được thụ lý và ghi vào sổ công chứng.
  • Bước 3: Sau đó bộ phận nghiệp vụ sẽ tiến hành soạn thảo hợp đồng uỷ quyền nếu thấy hợp đồng uỷ quyền của các bên đáp ứng yêu cầu và chuyển sang bộ phận thẩm định nội dung, kỹ thuật để rà soát lại.
  • Bước 4: Các bên yêu cầu sẽ đọc lại hợp đồng và ký/điểm chỉ vào từng trang của hợp đồng nếu không có yêu cầu chỉnh sửa hợp đồng.
  • Bước 5: Công chứng viên sẽ ký xác nhận sau cùng và chuyển sang bộ phận đóng dấu, lưu hồ sơ và trả hồ sơ. Các bên thực hiện đóng nộp các khoản phí, thù lao công chứng và nhận lạo hợp đồng uỷ quyền.

Trên đây là một số thông tin về hợp đồng uỷ quyền làm thủ tục nhà đất mà các bên khi giao kết hợp đồng uỷ quyền cần chú ý để việc uỷ quyền được tiến hành theo đúng pháp luật. Để biết chi tiết thêm về hợp đồng uỷ quyền, quý khách có thể liên hệ với chúng tôi để qua số hotline Huỳnh Văn Chiến được tư vấn và hỗ trợ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *